Cùng với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nhà Nguyễn để lại đang được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hôm nay, văn hóa cung đình Huế có cả một dòng mỹ phẩm truyền thống được rất nhiều người trong phái nữ hiện vẫn lựa chọn để làm đẹp cho mình đó là phấn nụ gia truyền Huế.
Bí ẩn dòng mỹ phẩm phấn nụ làm đẹp da
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An – người đã và đang có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về Triều Nguyễn thì phấn nụ gia truyền Huế chính là một nét độc đáo đất thần Kinh. Ngày xưa, trong chôn cung cấm kín cổng cao tường nhu cầu làm đẹp cho các bậc mẫu nhi cả cung phi, mỹ nữ luôn được coi trọng. Phấn nụ ra đời từ đó và quy trình làm ra loại phấn nụ mỹ phẩm của chốn cung đình Huế vẫn là điều bí ẩn.
Mang hình dáng một nụ hoa, phấn nụ cung đình Huế ẩn chứa trong nó những bí mật làm đẹp ở chốn hậu cung của các phi tầng Triều Nguyễn. Vương Triều Huế ngày xưa có cả một kho tàng mỹ phẩm cho các cung phi, mỹ nữ. Mỗi thứ mỹ phẩm được giao cho một phụ nữ tin cẩn phụ trách, pha chế, sản xuất. Vì vậy, không tránh khỏi những bí quyết làm mỹ phẩm xưa theo các cung nữ già về cõi vĩnh hằng. Nhưng cuộc diện lịch sử thay đổi, năm 1945 Triều Đình nhà Nguyễn cáo chung, nhiều cung nữ nắm giữ bí quyết làm phấn nụ Huế xuất cung.
Sự nghiêm ngặt trong quá trình chế biến phấn nụ Huế
Quy trình chế biến phấn nụ phải luôn nghiêm ngặt, phải hứng nước trời nhưng không phải lấy nước của những trận mưa đầu tiên. Sau khi nước được hứng, người làm phấn phải chưng cất cẩn thận và cho vào bể lớn để tránh nắng mưa, bụi bẩn và cất giữ để dùng cả năm.
Phấn nụ bào chế từ cao lanh với hơn 10 vị thuốc bắc có tác dụng dưỡng da cùng một số loài hoa có tác dụng mát da với hương thơm thật dễ chịu. Quy trình chế biến và nhào nặng công phu, mất hơn cả tháng trời để đảm bảo đem đến sản phẩm làm đẹp tốt nhất .
Bước ra khỏi cung cấm và trở thành một loại mỹ phẩm phục vụ rộng rãi cho mọi tầng lớp, phấn nụ đã và đang nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng.
Không đơn giản là làm đẹp cho chị em phụ nữ, phấn nụ được xem như một nét văn hóa của cung đình Huế, thể hiện niềm tự hào của người dân xứ Huế.